Bước vào mùa mua sắm Tết, sự cạnh tranh giữa các kênh bán hàng truyền thống càng trở nên gay gắt nhằm tiếp cận và thu hút khách hàng. Một số nhà bán lẻ đã tận dụng những tiện ích của mạng Internet để hỗ trợ chuyện làm ăn. Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công với giải pháp kinh doanh mới mẻ này.
Mấy năm trước, anh Đức – chủ một cửa hàng đồ chơi trẻ em và thiết bị gia đình ở quận 11 – đã thiết lập một trang web để giới thiệu cửa hàng của mình và các mặt hàng bày bán ở đây. Tuy nhiên, anh cho biết mình lập trang web chỉ cho thêm… xôm tụ, chứ việc kinh doanh chẳng tiến triển gì hơn. Khách hầu hết đến thẳng cửa hàng chọn mua sản phẩm, chứ chẳng ai chịu mất thời gian vào trang web để tham khảo giá và chọn hàng trước.
Thời gian gần đây, khu vực chỗ anh Đức mở ra thêm nhiều cửa hàng mới kinh doanh các mặt hàng tương tự, khiến cho việc buôn bán của anh ngày một thêm khó khăn. Anh cho nâng cấp trang web, tăng thêm các tính năng về trưng bày và giới thiệu sản phẩm, thông tin phản hồi từ khách hàng… Việc thanh toán cũng đa dạng, từ hình thức trả tiền tại nhà sau khi nhận hàng, thanh toán bằng thẻ ATM, đến chuyển khoản qua ngân hàng…
“Trang web được nâng cấp nhằm mở ra một kênh tiếp cận khách hàng mới, từ đó góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh”, anh Đức nói.
Nhưng rồi trang web lại tiếp tục bị… bỏ xó, vì anh Đức không có kinh phí để quảng bá nó. Thật ra, anh đã cho in địa chỉ web lên danh thiếp, để ở quầy tính tiền cho khách tự do tham khảo. Nhưng hầu hết khách đã tìm được đến cửa hàng thì mấy ai chịu tốn công lên web, từ đó họ cũng hững hờ luôn với địa chỉ web ở đây!
Có lẽ, bên cạnh một số điểm hạn chế như chất lượng hàng hóa chưa được bảo đảm, dịch vụ giao hàng chưa tốt, hình thức thanh toán còn bất tiện… thì kinh doanh trực tuyến ở Việt Nam còn có thể gặp trở ngại bởi những trang web chưa có thông tin hấp dẫn công chúng hoặc chưa được quảng bá rộng rãi, kiểu như cách làm web của anh Đức kể trên.
Vì thế, một số nhà bán lẻ khi thực hiện phương thức kinh doanh trực tuyến, trước hết đã tìm cách phổ biến trang web bán hàng của mình, sau đó họ còn phải luôn cập nhật, nâng cấp các tính năng.
Từ giữa năm 2009 và gần suốt cả năm 2010, cửa hàng thời trang của anh Minh trên đường Lê Văn Sĩ cứ hết bị “chặn đầu” lại bị “khóa đuôi” bởi nhiều đoạn “lô-cốt” rào chắn đường. Việc kinh doanh phải cầm cự, trồi sụt theo những bức tôn rào lô-cốt được dựng lên, gỡ xuống. Chịu hết xiết, mấy tháng qua anh Minh đã phải trả lại mặt bằng để rút về kinh doanh qua mạng, hòng gỡ gạc chút vốn liếng với mùa làm ăn Tết.
“Tôi cho người đi phát tờ rơi giới thiệu trang web bán hàng của mình. Phần trưng bày hàng trên web được chia thành nhiều chủ đề khác nhau để tiện cho khách chọn và giao dịch. Phần hỗ trợ trực tuyến sẵn sàng trả lời khách đến tận 10 giờ đêm. Để xác nhận mua hàng, khách chỉ cần đặt cọc tượng trưng 50.000 đồng, khi nhận được hàng giao tận nhà khách mới thanh toán đủ”, anh Minh nói.
Giá rẻ có thể được xem là lợi thế cạnh tranh của lối kinh doanh qua mạng. Chị Thoa – người vừa tạm ngưng kinh doanh cửa hàng phụ kiện thời trang trên đường Phan Đình Phùng, cũng vì tình trạng đường bị lô-cốt rào chắn – cho biết chị không lập web bán hàng riêng, vì sợ sau này kinh doanh cửa hàng trở lại sẽ không kham nổi, chỉ… rao vặt qua mạng. “Tôi tham gia các diễn đàn bằng ý kiến thảo luận, viết bài bình luận, tư vấn về phong cách thời trang… qua đó giới thiệu những món hàng mình cung cấp”, chị Thoa nói.
Để hấp dẫn khách hàng, giá rẻ là tiêu chí được chị Thoa ưu tiên chọn lựa. Điều này xem ra cũng hợp lý vì chị không tốn chi phí cho việc thuê mặt bằng, trả lương nhân viên, tiền thuế… mà chỉ lấy công làm lời, hưởng mức chênh lệch trên giá vốn 50.000-100.000 đồng một món hàng. Khách muốn mua hàng chỉ cần gửi e-mail hoặc gọi điện thoại, chị sẽ mang hàng đến tận nơi…
Một số chủ cửa hàng thiết bị điện tử, hàng viễn thông… thì chọn cách tiếp cận khách hàng thân thiện và gần gũi hơn qua những trang blog. Tuy việc tạo dựng các trang blog khá đơn giản, họ vẫn phải tốn khá nhiều thời gian để viết bài giới thiệu sản phẩm, hướng dẫn chi tiết cách sử dụng, mẹo vặt sửa chữa những hỏng hóc nhỏ… Cũng nhờ vậy, các trang blog này đã giúp người tiêu dùng có những hiểu biết ban đầu về món hàng cần mua. Khi đặt hàng, họ sẽ được tư vấn kỹ lưỡng, phân tích ưu-khuyết điểm của món hàng. “Chỉ cần khách hàng có ý kiến không hài lòng về món hàng, chúng tôi sẵn lòng nhận lại nó, hoàn tiền hoặc đổi món hàng khác. Được khách hàng tín nhiệm, chúng tôi từ người bán hàng đã trở thành bạn tâm giao của họ”, một chủ trang blog chuyên về hàng điện tử xách tay nói.
Nhìn ở một góc độ nào đó, những người kinh doanh qua mạng vẫn hướng đến sự đầu tư lâu dài thông qua việc tập hợp, liên kết cộng đồng rồi mới tính đến chuyện khai thác lợi nhuận. “Người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu, việc mua sắm Tết của họ chỉ còn nhắm đến những nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Chúng tôi muốn tạo cho họ thêm nhiều giá trị để sau này, khi những khó khăn qua đi, họ sẽ tin cậy và đến với chúng tôi lâu dài”, một chủ cửa hàng thiết bị điện tử-viễn thông chia sẻ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét