Những “chiêu thức” kinh doanh độc đáo

Kinh doanh những cái chưa từng có vốn là hướng tìm tòi của những nhà kinh doanh mạo hiểm, kinh doanh sáng tạo. Tuy nhiên, trong mặt bằng mới này cũng có cả những ý nghĩ kỳ cục, hài hước, thậm chí bất lương.
 

Ở chỗ này người ta bán cái gì chưa cần biết, nhưng cách kẻ biển đại ngôn này xem ra rất… phản động. Nếu bán đất (đất ở, đất xưởng, đất vườn) thì là chuyện thường, còn kẻ to gan này dám mở cửa hàng bán… lãnh thổ mà còn bán giá rẻ nữa thì xin chào thua!

Nên xem đây như một cung cách của người thích khám phá ngôn ngữ, viết chơi chơi vậy thôi, ai hiểu sao thì hiểu.

Nhưng sự đời, nhiều nghề còn ác hơn nghề bán lãnh thổ nhiều.

Nghề phá mồ mả

Vài năm trở lại đây, ngành kinh doanh công nghệ… nghĩa trang ở TP.HCM và các tỉnh phụ cận đã phát triển.

Những ai từng có người thân nằm tại các nghĩa trang công cộng ở Sơn Tây, Hà Nội mấy năm trước không lạ gì một bọn lâu la toàn những tên mặt mũi có vẻ  sáng sủa, nói ngọt như mía, thường bám sát những thân nhân lên thăm phần mộ người nhà ở đây.

Đây là nghĩa trang chôn cất đa phần người chết là người nội thành Hà Nội. Người thân lên thăm phần lớn là cư dân đô thị, nhiều người sang trọng, lịch lãm nên bọn xấu bám lấy, “xin” được xây cất, trồng hoa, chăm sóc mộ.

Ai chịu thì phải chấp nhận thứ giá trên trời còn ai không chịu là coi chừng, chúng phá mộ người thân ngay rồi gọi điện thông báo cho họ biết.

Sau khi trở lại thăm thú, gặp bọn kia sẽ nhận được thông điệp đại loại “rượu thưởng không uống, cứ thích uống rượu phạt, cứ tiếc “ma” chút tiền lẻ. Bây giờ chịu thì mồ mả sẽ như thế này (chúng chỉ vào những ngôi mộ được chăm sóc) còn nếu không chịu, trong một tuần sẽ như thế này” (chúng lại chỉ vào những ngôi mộ vừa… bốc đi xong).

Người nhà vãi linh hồn, nộp đại cho chúng dăm ba triệu cho xong chuyện!

Nghề kinh doanh đô thị… âm phủ

Từ thực tế trên, việc giải quyết chỗ nằm cho thân nhân với các gia đình là một nhu cầu lớn. Gần đây đã thấp thoáng một “công nghệ nghĩa trang” ra đời. Cái hay của nó là tạo một trật tự, một sự nhất thể cho việc này, nhưng vì mới mẻ nên “công nghệ” này cũng lộn xộn, cần uốn nắn.

Có khu vực, 5 mét vuông đất nằm ken sát kiểu “nền văn minh 4 mét” ở dương thế, toàn bê tông là bê tông được bán giá 40 triệu bạc tùy vị trí, có chỗ đắt hơn nhiều, mặc dù giá đất ở khu vực kế cận là ba trăm ngàn một mét (vì ở đây nguyên là đất nông nghiệp). Đã vậy, thân nhân muốn xây cũng không được, ban quản lí lấy lí do “quy hoạch thống nhất đã được duyệt, không thể xây khác được”.

Khi mình tỏ ý muốn tự xây theo quy hoạch cũng không được, còn để họ xây thì ngôi mộ này đắt gấp 3 ngôi nhà tình nghĩa (lối 70 triệu, nguyên tiền xây).
Thân nhân người quá cố, nếu trót mua rồi, cắn răng trả tiền cho một loại giá quái quỷ này, câu ngạn ngữ “chết là hết” không có ý nghĩa ở đây, bởi tấm ảnh dưới đây là những loại mộ từ 300 - 500 triệu một ngôi 3x5 mét.
 
Như vậy, chết thì chết nhưng có thể đó lại là sự khởi đầu cho một món nợ con cháu còn trả dài dài chưa hết. Cho đến nay, ngành vật giá, ngành quản lý thị trường chưa thể định “giá sàn” cho loại hàng hóa này.

Nghề bẫy ngực

Các ông ham của lạ ở Uganda - châu Phi được khuyến cáo không nên thò mũi vào ngực các cô gái lạ, bởi có thể bị mê man bất tỉnh và lột sạch quần áo cùng tiền bạc.

Bôi thuốc mê vào ngực là nghề mới của các đối tượng cướp nữ ở các nước  châu Phi.

Nhiều trang nam nhi đã sục vào khu đồi gò thơm tho này và tỉnh dậy sau khi mất hết tiền bạc. Xem ra, nghề này đầu tư ít nhất mà dễ thao tác, lãi nhanh.

Nghề kinh doanh su chiêng cho nam giới

Ở Nhật Bản năm ngoái, một cửa hàng kinh doanh trực tuyến có tung ra sản phẩm đặc biệt - áo ngực dành cho nam và nó nhanh chóng trở thành mặt hàng hút khách.

Sau 2 tuần tung ra sản phẩm, cửa hàng Wishroom đã tiêu thụ được khoảng 300 chiếc, mỗi chiếc giá 30USD. Hiện cửa hàng còn chào bán các mẫu áo với ba màu đen, trắng và hồng cho các quý ông.

Giám đốc điều hành Akiko Okunomiya cho biết, bà cũng ngạc nhiên trước số lượng khách hàng nam chào đón dòng sản phẩm vốn chỉ dành cho chị em này.

Thực chất trên đời tồn tại một nghịch lí: bộ ngực phụ nữ rất đẹp, rất hấp dẫn thì phải che đậy, còn ngực đàn ông, nhất là những ông lười rèn luyện, rất xấu thì có thể cởi trần đi lại lông nhông ngoài phố.

Sự “bình đẳng” này đem lại một lợi nhuận không nhỏ cho người kinh doanh.
Tay phải không tin vào tay trái - mô hình quản lý đó ở một số lĩnh vực đã tạo nên kẽ hở cho một loại “nghề” mới xuất hiện. Một nghề nêu kỷ lục về thời gian ngắn nhất từ lúc “đầu tư” đến khi thu lãi, chừng 15 phút đồng hồ.

 
Hiện nay, do tâm lý “tay phải không tin vào tay trái” nên khi xử phạt các vi phạm giao thông của tài xế, những người vi phạm phải mất một buổi để thực hiện quy trình: xếp hàng, đặt giấy - chờ gọi tên.

Đặt xong (thường hết ít là nửa giờ, lâu thì gần một buổi), vào đến bàn, người vi phạm ký vào biên bản xử lý do viên cảnh sát giao thông (CSGT) lập, xong nhận một bản đi nộp tiền tại kho bạc.

Với người sở tại, việc này cũng thường, nhưng nếu là người nơi khác đến thì bắt đầu trải qua một đợt phiền phức thứ hai.

Đầu tiên, tìm được kho bạc với một cái tên phố lạ giữa đất lạ đã khó. Tìm được rồi, khi xếp giấy ai nấy hoa mắt nhìn chồng giấy dày dặn phát khiếp.

Chưa hết, có nơi nhân viên thu ngân dùng loa phóng thanh gọi tên người đến lượt, có nơi gọi bằng miệng.

Nếu cô này tiết kiệm năng lượng, chỉ khẽ xướng tên “đương sự” trong những ồn ào lộn xộn của nơi này, người nghe không kịp “dạ” ngoan ngoãn rồi nhảy bổ vào nộp tiền thì coi chừng cô ta sẽ âm thầm để sang chồng khác rồi gọi một cái tên mới.

Chính vì những sự nhiễu nhương này, có khi nộp tiền xong, đem biên lai về thì trụ sở CSGT đã hết giờ, vừa đóng cửa. Nếu là buổi chiều thì đi tìm chỗ trọ, chờ đến hôm sau…

Chính vì thế, hai năm trở lại đây xuất hiện một giới cò con mà có người gọi đùa là “trợ lý kho bạc”, họ giúp các “khổ chủ” rất đắc sự.

Như ở Bình Dương, có hẳn một đội ngũ “cò” để xe bên siêu thị đối diện. Từng “cò” sang sát bàn xử lý, tiếp cận với người vừa ngơ ngác cầm tấm biên bản trở ra rồi xin đi… nộp tiền giùm với lời hứa không quá 15 phút.

Người làm nghề “trợ lý” này cũng phải có dăm triệu vốn để tự bỏ ra nộp, khi đem biên bản về trao lại cho chủ giấy mới lấy tiền.

Sáng thứ sáu 12/11/2010, tôi có mặt tại trụ sở CSGT Bình Dương và ghi nhận “trợ lý” Tư S. vù đi với 5 tấm giấy, khi trở về đến nơi chỉ mất 11 phút. Buổi sáng hôm đó, từ 8 giờ 20 phút đến 11 giờ trưa, riêng mối này đã chạy được 11 “phi xuất” và “góp phần giải quyết” được gần 50 giấy.

Mỗi tấm giấy chỉ thu chừng 30.000 đồng thì một “trợ lý” mỗi ngày có thu nhập cũng kha khá, chừng 2-3 triệu đồng, mỗi tháng chừng… 30-40 triệu bạc!

Ở một điểm này có chừng dăm “cò’ như vậy, chứng tỏ cái phiền phức do định chế này gây ra không nhỏ chút nào, nếu tính tới quy mô toàn quốc.

Tại Phủ Đức, TP. Việt Trì cũng vậy, nhưng “cò” ở đây năng động hơn.
Nếu “cò” Bình Dương chỉ làm nhiệm vụ khai thông quan hệ với kho bạc thì “cò” ở Phú Thọ giỏi hơn nhiều. Họ chỉ cần liếc biển số xe chở người đến giải quyết, liếc qua sắc mặt hay nghe thoảng câu lủng bủng trong miệng đương sự là biết người kia cần gì.

Có người bị “bắn tốc độ” ở Bãi Bằng, Phù Ninh nhưng cơ quan tận… Cà Mau. Khi viết biên bản, các chú CSGT hứng lên ghi hẳn cho cái hẹn mươi ngày, khiến vị này lâm vào thế ở cũng chết, về rồi quay lại cũng chết, đành tìm đến nài nỉ và câu trả lời thường là không được, trong một tư thế nguyên tắc phát khiếp, không thể chê được của người giải quyết.

Đúng lúc ấy, “cò” ra tay.


Có thể mọi việc sẽ xong ngay trong ngày hôm ấy.

Nhìn tấm ảnh trên, thấy những người ăn mặc giản dị, đi xe gắn máy hạng xoàng nhưng đó là những “trợ lý kho bạc” hay “trợ lý đa năng” hết sức và hữu dụng. Họ còn có tư cách khác là “những doanh nghiệp không tên”, chỉ xoay vòng đồng vốn trong 15 phút  là có lãi, một kỷ lục khó phá trong ngành thương mại thế giới này.

Hiện nay, theo quan sát của chúng tôi, ít nhất 30 tỉnh có kho bạc cách trụ sở CSGT tỉnh từ 2km trở lên đến 5km, một cự ly dù ngắn dù dài nhưng không dễ tìm kiếm với người lạ, cho nên số tiền giới tài xế phải “chung chi” cho các “trợ lý” này mỗi tháng cũng là bạc tỷ!

Đã tới lúc giới hữu trách phải xem xét đến việc điều chỉnh định chế này.

Việc thu tiền phạt, sau ý nghĩa giáo dục nhân dân chấp hành pháp luật thì đây đích thị là một nguồn “siêu lợi nhuận”, một nguồn thu mà “đầu vào” chỉ là cái… còi hoặc cái máy bắn tốc độ. Nguồn thu cực kỳ lớn. Đồng tiền phân bạc góp rất nhiều vào tài lực quốc gia, nhưng ở khâu tiếp nhận có vẻ rất “cành kiêu”, rất bất cần, mặc người đang đến để làm-giàu-cho-đất-nước kia phải cam go với bao nhiêu phiền phức.

Mỗi ngày, ở những địa phương lớn như TP.HCM, Bình Dương, Hà Nội, Hải Phòng… hàng trăm triệu được thu về cho nhà nước. Chừng ấy tiền dư để ngành kho bạc cử đặc trách một nhân viên xuống thường trực ngay tại cơ quan xử lý, vừa tận thu tiền bạc vừa tránh những tổn hại vô lý như nói ở trên.



Trong ăn uống, xu hướng tìm về những nguồn thức ăn có nguồn gốc thiên nhiên vì vừa ngon miệng, vừa đỡ hại bởi dư lượng hóa chất độc trong thực phẩm. Đáp ứng nhu cầu này trong tình hình rừng bị tàn phá thì hơi khó nhưng các nhà nghề có cách khác, nhanh vô cùng, để có thịt rừng...

Nghề biến lợn rừng thành heo nhà

Bấm máy quay chừng 10 phút từ độ cao hơn 13 mét của một cây mít xum xuê, tôi dừng tay, quan sát bằng mắt rồi lẩm bẩm: “Có khi “nguồn” báo sai địa chỉ, chỗ này người ta đang mần heo rừng thứ thiệt chứ đâu phải “hàng nhái?”. Con nào cũng gầy nhõng, dài thuồn, mõm nhọn, lông rậm thế kia…

Ngày hôm sau, trong vai ông chủ một nhà hàng của một thị trấn lân cận bên kia sông, đang “cháy” hàng mò đến xin cứu viện, tôi biếu ông chủ hàng chai rượu quý rồi đòi mua 5 kg heo “rừng” và đòi cắt ngay ở tảng thịt vừa sơ chế với bất cứ giá nào.

Mua bán, trả tiền sòng phẳng (giá đắt hơn thịt heo nhà ngon nhất chừng 2,5 lần), “cho qua” luôn hơn hai chục tiền trả lại, coi như “bo” xong tôi định bụng về thật nhanh. Ở nhà đã có sẵn mấy ông bạn nhậu chờ để vào tiếp vai “nhà nghiên cứu” với gần lít rượu Bàu Đá nổi tiếng.

Ông chủ gọi giật lại: “Khoan đã, từ từ nghe tôi dặn dò đã. Đây chưa phải “heo rừng” đâu. Khi về, giã nhuyễn mớ vỏ này, cất lấy nửa lít nước trong thấm đều lên da heo, mười phút một lần. Còn chai này, giã một nhánh gừng hòa lẫn, ngâm cả tảng thịt vào, nó sẽ dai nhách như heo rừng, sau đó nấu nướng như thường”.

Khách sắp đi, chủ còn dặn với: “Cẩn thận, bí mật nhé, cần câu cơm đó!”.

Về nhà, chúng tôi tách phần thịt làm hai. Một phần làm đúng hướng dẫn, một phần làm kiểu “cổ điển” thì quả là khác hẳn. Chỗ nào “nhà” là nhà. Chỗ nào “rừng” là rừng: da dày bì bì, lỗ chân lông trương to, thớ thịt dai nhách…

Khi thâm nhập sâu hơn mới thấy rằng, chu trình đẩy dòng họ nhà heo về thuở sơn dã công phu ra trò, bắt đầu từ khâu chọn giống.

Giống heo được “tuyển” chính là giống bà con ta ghét nhất. Loại heo gốc từ vùng Mường: chân dài, rậm lông, trường con và chạy nhảy rất dữ.

Đặc điểm của loại này là không ăn đến no mà ăn rất hỗn. Bộp chộp vài phát là bỏ máng, dồn đuổi cắn xé nhau tứ tung. Lò mua về gây giống từ lũ này, lấy những thuộc tính “quý” của chúng để nhân bản.

Đã vậy, khi đạt trọng lượng chuẩn (khoảng 50-65 kg) là xuất chuồng.

Khi đã về tay lò mổ, trước khi mổ nó được “thẩm mỹ viện” tại chỗ rất công phu. Người ta tách má nó ra, lột bỏ lớp mỡ ngoài má rồi khâu lại rất khéo, sau đó chăm sóc đặc biệt vài hôm. Bởi vậy, mõm heo “bỗng dưng” dài ra rất… rừng. Thui xong, người ta hớt bỏ thật khéo đường chỉ khâu đi, thui lại cho hơi cháy chỗ có vết lần nữa là xong.

Cái “thủ” heo này, dù chẳng đẹp đẽ gì nhưng ở nhà hàng nó được trưng ra rất hữu tình, khách khứa “thấy là tin”, cộng với các kỹ nghệ nêu trên thành những điều thơm tho hiện trên menu của quán!

Mọi cung cách trên cuối cùng cũng giải tốt hai bài toán: tâm lý khách và lợi nhuận của chủ.

Một nhà báo già tác nghiệp cùng tôi còn thêm một “tác dụng phụ” rất có duyên là: nó góp phần bảo vệ rừng. Rừng hết, thú rừng thì còn.

Biến thịt rừng thành thịt… rú

Nhân bài viết này, xin gửi đến bạn đọc một thông tin có vẻ ngược dòng với đoạn trên: đó là nghề… lưu trữ thực phẩm quý hiếm.

Một lần, tháp tùng con trai chủ một nhà hàng nổi tiếng ở Thủ Đức, TP.HCM, chúng tôi được gợi ý cho bữa tiệc hoàn toàn miễn phí này rằng: thoải mái chọn lựa.

Tìm sơ sơ trong menu, chúng tôi gọi món nai nướng, một VIP khác kêu lẩu hươu.

Cô tiếp viên xinh đẹp đáp rõ ràng rằng có, xin quý khách đợi 20 phút.

Nhưng sau đó, vị chủ tiệm là cha của trưởng đoàn ra chào xã giao và quan tâm đến thực đơn của chúng tôi. Sau khi biết chúng tôi gọi 2 món vừa rồi, ông có vẻ phát hoảng, gạt phắt đi và đề nghị thay bằng món khác.

Một vị trong đoàn tỏ ra khó chịu, đề nghị cứ cho hai món đã gọi và xin trả tiền bình thường.

Đến nước này, vị chủ nhà xuống giọng giải thích: “Mấy anh thông cảm đừng dùng thứ này tội lắm. Tôi là chủ nhưng không bao giờ dám đụng tới. Thấy mấy anh là thân hữu của con tôi tôi mới cản. Số là thịt rừng về rất bất thường, về lúc nào, nhập lúc ấy. Để khách tin cậy, thường để nguyên lông lá, khi cần còn trưng ra, thuyết phục khách chứ không sơ chế, nêm ướp bình thường như các thứ khác”.

“Khi thịt về, giao nhận xong, cho xuống hầm rồi xả bằng thích urea vào, phủ lên tảng thịt. Chất này làm cho thịt lạnh ngắt, cóng lại, ruồi muỗi không dám bén mảng tới, để như vậy hàng tháng không việc gì. Bởi đầu vào thì như vậy mà “đầu ra” thì hãn hữu, chỉ có mấy ảnh là doanh gia hay dân ca sỹ, địa ốc thỉnh thoảng mới tới dùng, nên khi có thịt cứ phải “rú” cho kỹ tránh hư hao, lỗ vốn", ông này nói tiếp.

Chúng tôi toát mồ hôi hột, biết ơn lời khuyên của vị này và quay sang kêu vài món ốc luộc, hoa chuối bóp gỏi trâu, nghe dễ nuốt hơn!

Từ mong ước “ăn no mặc ấm”, nay đất nước phát triển, chẳng mấy chốc đã vươn tới ngưỡng “ăn ngon mặc đẹp”. Nhưng với giới doanh gia, giới VIP thì nhu cầu “ăn ngon, ăn của lạ” mới là thượng đẳng. Tuy nhiên, nghĩ vậy nhưng chưa chắc đã được vậy
Nghề kinh doanh… cảm giác

Năm 2007, tôi có dịp may đi lãnh giải thưởng tại một khách sạn lớn ở Sài Gòn. Sau lễ lạt, ban phát giải thưởng là tiệc mặn kiểu phương đông. Sáu người một mâm, mâm tôi ngồi chỉ có hai anh của giới viết lách, còn bốn Mít-xì-tờ (Mr) là VIP.

Bữa tiệc đi được một phần đường thì hoạt náo viên của nhà bếp ra.

Ông này mặc một bộ đồ lớn, kiểu như cái váy rộng của đạo sỹ, trắng toát từ đầu đến chân. Đầu trọc lốc, ông chào mọi người bằng một tràng tiếng Anh mà nghe qua, ai nấy đều biết là người gốc Ấn.

Sau đó ông trở lại nói bằng tiếng Việt. Ông giới thiệu mình là đầu bếp chuyên món rắn quý vừa từ Ấn Độ sang. Miệng nói, tay ông từ phía sau chuyển ra đằng trước lôi theo một chú hổ mang chúa to đùng, cuốn quanh cánh tay, cái đầu nằm gọn trong bàn tay ông, thò ra chừng 20cm.

Sau khi thuyết minh một tràng về những gì bổ béo, lợi ích của món ăn dành cho vua chúa này, ông gật đầu lễ phép chào quan khách. Con rắn chừng 2kg trong tay ông cũng lễ phép “kính chào” theo bằng cử chỉ gật gù rất điệu nghệ.

Ông cho biết giá con rắn này là 2 triệu (năm 2007 - nếu quy từ giá vàng, bằng khoảng 7 triệu bây giờ) nếu thực khách hài lòng, ông sẽ chế biến tại chỗ. Một VIP tỏ ra sốt sắng, “ok” ngay.

Ông đầu bếp nhanh nhẹn rút chai rượu trong vắt trong túi áo dài ra, rót vào cái li cao một lượng chừng 100cc. Xong, ông xin phép quý khách “hóa kiếp” cho con rắn quý ngay trên bàn.

Cô tiếp viên hiện ra rất đúng lúc, đặt chiếc thớt gỗ trắc nho nhỏ lên bàn. Ông kia gí đầu con rắn xuống thớt, rút rao “kếch” nhẹ một cái đứt đầu rắn. Ông hứng huyết rắn vào li rượu chuẩn bị sẵn, cung kính mời quan khách rồi nhanh nhẹn trở vào bếp.

Một phút sau, ông trở lại bàn tiệc đem theo con rắn đã lột da, những lằn thịt trắng hồng vẫn phập phồng oan ức. Chỉ năm phút sau, món thứ nhất đã lên đĩa, mùi thơm ngạt ngào tỏa lan…

Tan tiệc trở về, tôi xuýt xoa về bữa thịt rắn vừa ngon vừa độc đáo thì một VIP ngồi cạnh mỉm một nụ cười đa nghĩa. Căn vặn hoài, tôi mới tá hỏa khi biết qua vị doanh gia gốc Hoa này và mới biết rằng, cả nhóm vừa trải qua một trò bịp siêu thông minh.

Con rắn “kính chào quý khách”, cuốn quanh tay vị “đạo sỹ” kia không hề chết!

Khi cô tiếp viên cầm cái thớt chen vào đặt lên bàn, khi vị “đạo sỹ” kia dùng chưa hết một phần tư giây đồng hồ chùng tay xuống dưới mép bàn sẽ buông ngón tay ra, con rắn “nghệ sỹ” kia đã kịp rút đầu ra và giấu vào đâu đó rất lẹ.

Một con rắn ri cá hoặc rắn mồng bình thường nào đó giấu trong người, nãy giờ nằm trong cái áo thụng kia, cái đầu được cột gần vị trí tay áo, sẽ được nhà ảo thuật này móc ra chặt thay cho con rắn vằn vện kia.

Từ khoảnh khắc này, “khán giả” đang chúi mũi vào li rượu và món khai vị dọn sẵn trên bàn nên không để ý gì nữa.

Một phút vào bếp rồi trở ra chính là khoảng thời gian để “đạo sỹ áo rộng” trả… tự do cho con rắn “nghệ sỹ” và lột phăng da con rắn tội nghiệp mua về từ An Giang cỡ hơn 100.000 đồng/kg để thế mạng!

Mới biết, rắn giả nhưng cảm giác ngon miệng thì thật khi ngồi ăn giữa  không khí trang trọng của một khách sạn nhiều sao giữa Sài Gòn.

Thực ra, món ăn từ rắn nước, rắn ri cá cũng rất ngon. Loài động vật ưa vận động và chuyên ăn cá này thơm thịt, dễ xực  ra trò. Có điều nó không biết “kính chào quý khách” nên không sống được lâu như chú rắn xuất đầu lộ diện ban nãy!

Mới hay, trong khối nghề nghiệp thuộc dòng dịch vụ, phàm nghề nào đem lại cảm giác hài lòng cho khách, nghề đó có siêu lợi nhuận. Món rắn nọ rắn kia này, chỉ riêng tiền chênh lệch ở khâu nguyên liệu (giá rắn) phải tới gần hai triệu, nhưng thực chất, cộng thêm màn ảo thuật nữa là quý khách vui hết biết; và cuối cùng không “chết thằng tây” nào như cách nói giỡn của mấy bà ngoài hẻm nhỏ.

Thăm vườn một “nghệ sỹ nông dân”

Ngã ba ông Đồn nổi tiếng, đi thêm mươi cây số nữa là vào kế vùng đất của trại giam Z30 quản lý.
Đường vào trại thỏ
Tại đó, bạn sẽ thấy một trang trại làm cái việc có một không hai là nhận gia công… thỏ!

Khác với các nhà làm heo rừng ở bài trước, ông này không hề đụng dao kéo vào con vật nhưng vẫn biến thỏ nhà thành thỏ rừng ngon lành.

Tài của ông qua mặt mấy nhà hàng trên Sài Gòn dễ như bỡn và vì vậy, đơn đặt hàng hơi bị nhiều. Ông bèn phát triển bằng cách ra Hưng Nhơn - Trảng Bom đặt thêm vài chủ chuyên nuôi thỏ lai, cấp nguồn để “hóa thân” cho lũ thỏ này giống với tổ tiên chúng từ thuở hồng hoang.

Tất cả thỏ nuôi, thỏ nhập để “hóa” phải là thỏ đực, trọng lượng chừng 2,5-3 kg là vừa. Khi tuyển xong một đội chừng ba chục con, ông bỏ đói hai ngày rồi cho ăn cây đậu nành là thứ đã chuẩn bị ở vườn bên, không cho ăn chất bột nữa.

Thỏ đói, nay vớ được gì ăn nấy. Chất xơ nhiều làm biến nổi cơ năng của thỏ, thỏ mạnh hơn, nhanh hơn.

Nửa tuần sau, cứ mỗi đàn thỏ trong một khuôn viên chừng nửa héc-ta ông thả vào một con chó to. Con chó này rất kỵ thỏ, thấy là đuổi bắt nhưng khi thỏ chạy về đến “nhà”, chui tọt vào những lỗ quy định, nó không thể chui theo. Sau đó, chủ thu hồi chó, thả thỏ ra cho ăn tiếp, được nửa chừng lại cho ra đuổi.

Sau một tuần đuổi bắt như vậy, thỏ dài mình, dày da, khôn hẳn lên và chó không sức chộp được nữa.

Nửa tháng sau, thỏ hao đi nửa ký nhưng bán với giá thỏ rừng thì lợi bằng một ký hơn. Một đàn thỏ độ trăm con, sau nửa tháng đem lại cho chủ 4-6 triệu lợi nhuận so với giá thỏ nhà.

Trước khi xuất chuồng, thỏ được đưa qua công đoạn… sơn tút lại bằng loại sơn phun đặc chế, không phai khi dính nước.

Giới nhà hàng kiểm tra chất lượng thỏ bằng cách kiểm tra lớp da dưới bụng.

Da mỏng, làm lông xong có thể nhìn lấy ngũ vị lòng bòng ở trong, chọc khẽ ngón tay là bục bụng. Nhưng thỏ đã qua “ảo thuật”, bảo đảm da dày hơn nhiều, vò thoải mái. Nếu được chế biến theo những thực đơn tử tế, có khi còn ngon hơn thỏ rừng thứ thiệt không chừng!

Hoan hô nông dân! Rừng ngày càng cạn kiệt nhưng thịt rừng thì vô vàn, chỉ cần khách có tiền và… chưa đọc bài này.

Có một khái niệm rất đơn giản về “nghề nghiệp” là khả năng nào đó lương thiện, đem lại lợi ích góp phần bảo đảm cuộc sống cho mình. Trong góc nhìn đó, sẽ có những “nghề” kỳ quái nhưng nguồn lợi đem lại không nhỏ.
Ở một trường đại học khu vực Phúc Yên - Vĩnh Phúc, vào buổi sáng chủ nhật tẻ nhạt của một nhóm sinh viên, có người nêu vấn đề: Hôm qua tao lên Đoan Hùng chơi, thấy một ông già có cái tài cực kỳ lạ lẫm là nhét được quả cam lớn vào chai thủy tinh ngon lành, trong khi cổ chai chỉ đút vừa ngón tay giữa.

Đương nhiên không ai tin và đây đó nổi lên những tiếng nói nghi ngờ, thậm chí bác bỏ, cho là chuyện vớ vẩn.

Đến đó, chính là lúc cuộc chơi đi vào km thứ nhất, đúng “đường lối” của một “đạo diễn”. Người mào đầu ban nãy ra sức bảo vệ ý kiến của mình và chống đỡ có vẻ yếu ớt.

Một người có vẻ vô tư, tham gia vào “siết” anh kia: đặt cược! Điều kiện đặt ra là nếu có quả cam trong chai thủy tinh thật, cái chai liền lạc, bằng  thủy tinh, không ghép nối thì phe A sẽ mất cho bên B 100.000 đồng và tiền xe, tiền ăn trưa.

Nếu chuyện không có thực, bên B phải trả toàn bộ chi phí cho cả bọn đi về và mất 200.000 đồng bồi thường.

Hai bên nộp tiền cho ông trung gian rồi lên đường.

Đến nơi, sau một hồi đề nghị, thuyết phục, ông lão chủ nhà chậm chạp lấy ra cái chai như đã mô tả. Trong đó, rõ ràng có một trái cam lớn bằng đường kính của chu vi cái chai, mùi cam sống từ trong phảng phất bay ra.

Bên A chịu thua, trao tiền cho bên thắng nhưng ngỏ ý muốn xem quả cam. Lúc này, việc đập chai lại phát sinh một quan hệ mới, ông già xin 300.000 đồng vì phải đập cái chai quý của ông ta.

Đâm lao theo lao, đã mất công lên đây phải làm cho ra lẽ. Cả bọn góp tiền trả ông lão rồi đập cái chai. Khi chai vỡ tan, một quả cam sành ngọt lự hiện ra. Sau khi gọt quả, mỗi thanh niên chia nhau một múi cam, tính ra, mỗi múi cam trị giá 100.000 đồng.

Cả bọn ra về mà ấm ức, không hiểu điều gì đã xảy ra, tài cán ông cụ kia cỡ nào mà đẩy được trái cam lớn vào gọn trong chai không dập vỡ.

Tết vừa qua, tôi ghé thăm nghệ nhân này và được ông biếu một siêu phẩm ghê gớm hơn cả trái cam: đó là chiếc tàu thủy ba tầng, bốn ống khói nằm gọn trong lòng chai.
Qua câu chuyện, tôi biết bây giờ ông thôi nghề… nhét cam vào chai, xưa rồi, mà làm món mới này. Bởi vậy, ông bật mí về trò chơi cũ đã giúp ông kiếm được bao nhiêu triệu đồng từ những người hiếu kỳ.

Số là, khi cam vừa ra nụ, ông tuồn cả nụ cam vào trong chai, dốc ngược đáy chai lên trời và treo cố định luôn. Cái chai trở thành vật thể bảo hiểm cho trái cam, tránh luôn sâu bệnh nữa.

Sau đó, ông bón thúc NPK vào cây, trái cam lớn nhanh. Khi kích thước trái lớn bằng vỏ chai, ông sẽ hạn chế chăm sóc, hãm nước, cắt dinh dưỡng, ép chín rồi cắt cẫng, thu cả chai vào, cất đi. Mỗi vụ, ông thu hoạch cỡ vài trăm cái chai như thế.

Đội ngũ “cộng tác viên” là người làng, con cháu của ông ở khắp nơi, “tiếp thị” cho ông kéo cổ những vị khách lớ ngớ vào cuộc, cứ mỗi trái cam dăm trăm ngàn là… xuất!

Còn với nghề chứa tàu thủy vào chai, tạm thời xin phép giữ bí mật để ông già “tai quái” này kiếm cơm theo cam kết của tác giả với ông ta.

Chỉ biết rằng, với dăm năm hành nghề bán cam, ông đã xây được nhà, mua xe và nuôi ba đứa con học đại học ngon lành.

Mới hay, cái gì cũng có thể xảy ra được!

Tấm ảnh trên đầu bài chụp sản phẩm cà chua của một lão nông ở Dương Nội - Hà Đông, giờ sinh sống tại cao nguyên Lâm Hà gần TP. Đà Lạt.

Nhà ông này chỉ có dăm công vườn, diện tích bé nhất so với làng xã sở tại, nhưng với tay nghề tạo ra cà chua chim, cà chua rắn, thậm chí cà chua… cu như trong ảnh, chuyên bán cho một số nhà hàng cao cấp trưng bày ở những đại tiệc với giá đắt gấp 20 lần một ký cà chua thường, cũng là một kỳ công.

Hiện nay, một thương nhân Đài Loan đặt hàng và bao tiêu luôn sản phẩm cho ông với giá đắt, nên ông chỉ còn phục vụ một mối hàng này.

Hỏi chuyện thì biết, ông đã dày công đào tạo nhiều con cháu để “nối nghiệp” mà chưa được. Giờ mỗi vụ (3 tháng) ông chỉ làm được chừng một tấn sản phẩm này, nhưng thu nhập thì rất lớn.

Cuộc sống luôn sinh ra các nhu cầu. Nhu cầu sinh ra nghề nghiệp, nhiều khi rất lạ lẫm nhưng là ngón độc, là thu nhập không nhỏ của người theo đuổi nó.

Một lần xem triển lãm ảnh đồng bằng sông Cửu Long, tôi đã phải mê mẩn với tấm hình chụp khoảnh khắc tung lưới dưới sông của một con thuyền nhỏ.
Con thuyền thì nhỏ như thân phận con người trước thiên nhiên kỳ vỹ nhưng tấm lưới thì rộng lớn như ước mơ, như khát vọng muốn làm chủ không gian cuộc sống. Ánh sáng, màu sắc, sự thể hiện của từng giọt nước cứ lung linh tỏa chiếu…
Tôi tìm cách gặp bằng được nghệ sỹ, tác giả tấm ảnh, thì biết mọi việc không đơn giản chút nào.
Để có được tấm hình ấy (thời điểm 1998) anh đã phải chụp hết 5 cuốn phim trong một tuần lễ, trải qua hết thảy những cảnh nắng mưa, gió bão.
Mười năm sau, một lần tâm sự với người bạn trai học cùng con mình thời phổ thông trong một tiệc sinh nhật, nhìn anh chàng điển trai, cao ráo tôi nghĩ anh ta phải có sự nghiệp gì đó đáng kể.
Nhưng khi hỏi thăm, thấy anh này chưa trả lời mà lũ bạn cũ cười cười, tôi đã nghi nghi. Hỏi kỹ mới hay anh ta làm nghề… tốc váy cô dâu trong một tổ hợp tạo hình, chụp ảnh, làm album cưới cho lứa trẻ. Trong ê kíp ấy, anh ta là người giữ vị trí quan trọng nhất (theo anh ta nói).
Đó là hướng dẫn chú rể ôm cô dâu, xoay một vòng như muốn vung cả nàng “tiên nữ” này lên trời cao, để “phó nháy” bấm máy.
Muốn hướng dẫn tốt, anh phải thị phạm nhiều lần, đủ cho các chàng tiếp thu.
Anh tâm sự: “Coi vậy cũng không sung sướng gì đâu chú ạ. Được thoải mái bế vợ… người khác, xoay như chong chóng trong cảm xúc yêu… tạm nhưng xoay sao cho đẹp, có tấm voan, mảnh khăn, vạt váy tung ra thật duyên, thật đẹp như mây như gió mới là khó”.
“Có lần, vớ phải một cô nặng quá, lối trên sáu chục ký, bế còn chưa nổi lấy gì mà xoay sở, cả hai mệt nhoài, gắng hoài cả buổi sớm được đúng một kiểu ảnh. Có cô khỏ quá, khi đạo diễn hô “chạy” là cô ta chạy như ma đuổi, mình theo hụt hơi, hết thở, sức đâu mà tốc…”, anh này kể tiếp.

Ở “trường đoạn” khác, có cảnh các cô chạy tung tăng như tiên nữ giáng trần. Yêu cầu của đạo diễn là vạt váy phải bay lên như công như phượng, mà cái váy “đại” được các nhà thời trang tạo ra bằng cả đống vải làm sao tung tẩy? Vậy là phải có một “trợ lý tốc váy”, bưng vạt váy chạy theo cô dâu, rình đúng tầm, đúng thời khắc sẽ  tung lên.

Việc tung không đơn giản chút nào. Nếu tung dữ quá, hở hết “vốn tự có” của cô dâu ra sẽ phản cảm, khiếm nhã. Nếu tung yếu quá, không tạo được sự phô diễn của cặp giò trời cho cũng không được. Thi thoảng, nếu gặp phải sự ghen ngầm của anh chàng rể nhà quê, cứ gườm gườm đầy định kiến trong khi “tốc viên” mệt thấy tổ thì không còn gì bực hơn.

Có cô cặp giò quá xấu, hở đến đâu, xấu đến đó nhưng không biết điều, cứ thích phô. Cuối cùng, đạo diễn phải gọi “tốc viên” lại, thì thầm: anh cứ tốc thoải mái, về làm photoshop, tôi kéo chân nó dài ra”. Hú vía!

Coi vậy, cái nghề tốc váy khá vất vả, lam lũ và… vui mắt nhưng thu nhập cũng đỡ. Một tháng vớ được dăm đám sang sang, cưới xong “xì” ra mươi triệu tiền phim ảnh, cũng vui.

Nghề bán cảm giác

Nhìn cây sung trong tấm ảnh này, nếu là người mê sinh thái, ưa chuộng cây cảnh hẳn bạn phải sung sướng lắm nếu sở hữu được nó.

Nhìn giàn trái xum xuê, cho dù không phải… đại lãn cũng thấy mát mắt và trả vài trăm, rinh về trưng ở phòng khách, chờ tài lộc.

Nhưng, cảm giác đó chỉ là tạm thời, kéo dài được hai tuần lễ là cùng. Cả giàn trái xum xuê, đẹp mắt đó là giả.

Cây sung thật, trái sung thật được các “nghệ nhân” ghép vào nhau khéo như bác sỹ, không hề có tý tì vết nào. Vào thời thịnh, như dịp giáp tết, loại “nhà vườn” trên bàn kính này kiếm cả trăm triệu mỗi tháng.

Làm chủ chim… trời


Con người đã làm chủ thiên nhiên từ lâu, đã thuần phục được cá heo, sư tử nhưng để làm chủ những bầy chim trên trời thì còn hơi khó.

Vậy nhưng, ở miệt bắc Hóc Môn, giáp Bà Điểm (TP.HCM), có một  hộ dân có vẻ làm chủ hoàn toàn các loài chim trời.

Mỗi khi có đơn đặt hàng, giá cả ngon lành, gần 4 giờ sáng, lão nông nổ máy chiếc xe honda 50 khổ hạnh có tuổi đời bằng thằng con cả, vù lên rừng.

Trước khi đi, từ chiều hôm trước, lão ra tiệm sửa xe gần đó, ung dung tắm một trận bằng… dầu nhớt ngon lành. Xong về, tắm lại sơ sơ nhưng không làm sạch mùi dầu.
Hỏi ra mới biết loại “mỹ phẩm” kỳ quái kia chính là “bí quyết làm ăn” của ông. Nó sẽ đánh tan mùi “người” khi tiếp cận… kho chim của lão. Nếu xử lý không tốt, còn mùi mồ hôi, thuốc lá, lần sau đến kiếm được cái… lông chim cũng khó.

Còn “chiến trường” của ông là khoảng 50 cây lớn trong bán kinh 15-25km quanh vùng Hóc Môn lên mạn Đức Hòa (Long An), Trảng Bàng (Tây Ninh).

Tại những vùng này, làn sóng công nghiệp hóa đang cướp hết của bầy chim chỗ ngủ nghỉ. Và ông Tư H. nắm bắt được điều này.

Ông kết những cái tổ khổng lồ bằng tre, lợp lá mạ thơm, ấm cúng, đẹp mắt rồi tìm những lùm cây rậm, kín ém tổ lên đó. Mỗi cây có thể hai, ba tổ. Mỗi tổ có thể có chỗ trú cho cả trăm chim. Trong đó và dưới gốc cây, lão rải mè (vừng) cho nở, nhưng không thu hoạch, cho hạt phát tán ra, dụ chim về ăn… miễn phí.

Cứ để yên như vậy vài tháng, chim thấy an, ngày đi kiếm ăn tối kéo nhau về sinh con đẻ cái rất đông.

Nghề này công phu ở chỗ chọn vị trí cây nào để đặt tổ. Về món này, phải có “tâm hồn chim”, phải biết chim thích gì, sợ gì và cung độ từ đó đến những khu đông dân cư, nhiều nhà máy, tiếng ồn là bao nhiêu, nếu không đắc địa, tổ có đẹp mấy chim cũng không về ở.

Lúc bắt chim cũng là cả một nghệ thuật. Nếu để chim kêu choe chóe, ngày mai lũ kia đi hết, không bao giờ trở lại. Khi mò từng con trong ổ phải nhẹ nhàng, đặt vào giỏ cũng nhẹ nhàng. Bắt tổ nào phải sạch tổ đó, không để sót con nào, rồi tụt xuống đi bộ ra chỗ giấu xe và về.
Ngày mai, con nào hạng A thì bán cho người đặt hàng. Con nào vô danh tính đem ra ngõ ngồi bán lẻ. Nếu ế, mang về quay bơ giòn lên, lão với ông con đầu chừng bốn chục xuân giải quyết hết cùng nửa lít rượu đế Gò Đen. 
Nhìn lão ngày ngày nhàn tản ra quán nghèo đầu ấp xài thuốc rê với cà phê 3.000 đồng, da thịt thoang thoảng mùi dầu thải, ít ai biết lão thu nhập gớm ra phết. Có tháng vài chục triệu đồng. 
Mới hay, trong xã hội, câu “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” có giá biết chừng nào.

Nghề… tốc váy

0 nhận xét:

Đăng nhận xét