Kinh tế

10 xu hướng chủ đạo năm 2011

Email In PDF.
kinh-doanh-2011Những nhận định, đánh giá của Tạp chí Entrepreneur về các xu hướng kinh doanh nổi bật trong năm nay. Tận dụng sức mạnh đám đông và ứng dụng công nghệ xanh là những xu hướng chủ đạo, quyết định cơ hội kinh doanh tại Mỹ.

Đổi mới doanh nghiệp

Thật khó tin nhưng theo Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Quốc Gia của Mỹ, nền kinh tế Mỹ đã bắt đầu hồi phục từ tháng 6.2009. Và nguyên nhân chính của sự trì trệ thời gian qua là đa số (71%) công ty cứ phải chờ các chỉ số kinh tế tăng lên mới chịu chi tiêu và thuê nhân công.
Chờ đợi không bao giờ là thượng sách. Thế giới ngoài kia luôn đầy ắp cơ hội và nền kinh tế tương lai sẽ thuộc về ai dám thay đổi và tiên phong. Triết gia Hy Lạp cổ đại Socrates từng nói: “Để thay đổi thế giới, trước tiên hãy thay đổi chính mình.”

Baby-boomer trở lại

Ngày nay, hầu hết các công ty chỉ nhắm đến Gen Y (những người sinh ra trong giai đoạn giữa những năm 1970 đến đầu những năm 2000) mà quên rằng các baby-boomer (những người sinh ra trong giai đoạn 1946-1964) đang trở lại. Là những người đang trong độ tuổi về hưu, thành đạt và giàu có với số lượng khoảng 76 triệu, lực lượng này sẽ đóng vai trò chủ đạo đối với nền kinh tế Mỹ trong thập niên tới.
Nhận thấy cơ hội từ nhóm khách hàng này, nhiều công ty xây dựng bắt đầu giới thiệu các loại nhà mẫu có tiện nghi phù hợp với người trung và cao niên. Một số siêu thị trang bị kệ bày hàng thấp, giỏ đựng hàng có bánh xe, giúp đối tượng khách hàng này mua sắm tiện lợi hơn.

Du lịch cất cánh

Ngành du lịch Mỹ đang phát triển mạnh mẽ và dự kiến đạt mức doanh thu cực đỉnh 1.400 tỉ USD vào cuối năm 2011 (theo công ty nghiên cứu thị trường của Mỹ IBISWorld).
Thị trường các sản phẩm phục vụ du lịch trực tuyến cũng tăng trưởng khá cao, từ con số 0 trở thành lĩnh vực trị giá nhiều tỉ USD chỉ trong vài năm. Nổi bật nhất là thị trường các dịch vụ ứng dụng dành cho điện thoại di động thông minh như tìm kiếm địa điểm truy cập Wi-Fi, cập nhật thông tin vé máy bay, tìm quán ăn địa phương, phòng khách sạn giá rẻ và phiên dịch. Nhiều trang web du lịch trực tuyến ăn nên làm ra nhờ tạo ra sân chơi bổ ích cho cộng đồng mê du lịch, trở thành nơi họ chia sẻ hành trình và điểm đến lý thú.

Mua sắm trên Mạng xã hội

Hơn một nửa dân số Mỹ đang là thành viên của ít nhất một mạng xã hội và số tiền họ chi tiêu để mua hàng trên những trang này đã tăng gấp đôi so với 2 năm trước. Tính trung bình, một người nghiện Facebook đã chi 67 USD để mua hàng thông qua trang này trong quý đầu năm 2010. Ngoài ra, lời khuyên từ bạn bè trên mạng xã hội đang trở thành nguồn thông tin ảnh hưởng lớn nhất đến quyết định mua sắm.
Các trang mua bán sản phẩm trực tuyến cũng thi nhau ra đời, kéo theo sự xuất hiện của các trang đánh giá sản phẩm. Ngoài ra, một số trang web kinh doanh theo hình thức cùng mua hàng còn cho phép thành viên mua hàng với giá ưu đãi, miễn là họ tập hợp đủ số người mua tối thiểu theo quy định.

Nâng cấp nhà cửa

Theo IBISWorld, 2010 là một năm tốt đẹp đối với dịch vụ sửa chữa và nâng cấp nhà cửa khi tăng trưởng 5% so với năm 2009, đạt doanh thu 117,6 tỉ USD và hứa hẹn tăng lên 133,7 tỉ USD vào năm 2011.
Tân trang, nâng cấp nhà cửa để đáp ứng các tiêu chuẩn mới về sử dụng năng lượng sẽ sớm trở thành ngành kinh doanh phát đạt bởi ngày càng có nhiều người, đặc biệt là thế hệ baby-boomer, chăm chút cho ngôi nhà của mình.

Dịch vụ y tế hồi sinh

Cục Thống kê Mỹ cho biết, doanh thu toàn lĩnh vực dịch vụ trong quý II/2010 đạt gần 460 tỉ USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2009. Hơn một nửa số ngành nghề, lĩnh vực tạo ra nhiều công ăn việc làm nhất cho người Mỹ giai đoạn 2008-2018 đều liên quan đến y tế, chăm sóc sức khỏe.
Riêng lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại gia hiện có hơn 1,3 triệu lao động; con số này sẽ tăng hơn 50% với tổng doanh thu được dự báo là vượt 72 tỉ USD năm 2011.

Sản phẩm dành riêng cho nam giới

Khủng hoảng kinh tế không thể làm cho thị trường sản phẩm nam giới ảm đạm. Trái lại, thị trường này sôi động hơn bao giờ hết với những sản phẩm như tăm xỉa răng mùi thịt xông khói, trang phục bó cho quý ông bụng bia và nhiều sản phẩm khác kèm dòng chữ “chỉ dành cho nam giới”.
Các tạp chí dành riêng cho đối tượng này cũng nhờ đó mà ăn nên làm ra. Như UrbanDaddy và Thrillist chẳng hạn, ra đời cách đây không lâu nhưng đến nay UrbanDaddy có gần 2 triệu độc giả trong khi Thrillist có 2,25 triệu.

Hàng xa xỉ nhưng phải hợp túi tiền

Cuộc khủng hoảng vừa qua đã sản sinh ra một nhóm người tiêu dùng mới, khó tính và hướng nhiều hơn đến giá trị. Họ kỳ vọng vào những sản phẩm cao cấp (trước đây được xem là xa xỉ) với giá hợp lý. Nhằm đáp ứng cho nhóm khách hàng này, nhiều hãng mỹ phẩm, cửa hàng chăm sóc sắc đẹp và thời trang, nhà hàng... đều nỗ lực phát triển các sản phẩm tương ứng.

Sản phẩm giúp giữ gìn vóc dáng

Dù túi tiền eo hẹp hơn nhưng nhu cầu giữ gìn vóc dáng lại lên cao. Và ngành kinh doanh sản phẩm phục vụ cho cầu này tại Mỹ hiện trị giá hơn 41,4 tỉ USD, tăng 1 tỉ USD so với năm 2009.
Dự báo năm 2011 sẽ có sự bùng nổ của 2 lĩnh vực mới: huấn luyện thể hình cho nhóm nhỏ và bán sản phẩm tập luyện qua truyền hình. Ngoài ra, những ứng dụng giữ gìn vóc dáng trên điện thoại thông minh như iFitness và iWeight Deluxe (iPhone) cũng hứa hẹn là lĩnh vực kinh doanh mới.

Công nghệ xanh phổ biến hơn

Công nghệ xanh đang là lĩnh vực yêu thích của giới đầu tư Mỹ vài năm trở lại đây với tổng giá trị khoảng 424 tỉ USD, tỉ suất sinh lợi 17% năm 2009.
Nhiều công ty công nghệ sạch kiếm tiền bằng cách giúp các công ty khác tiết kiệm tiền của. Chẳng hạn, hệ thống điện của ThinkEco giúp doanh nghiệp tiết kiệm 20% tiền điện mỗi tháng. Hệ thống tế bào năng lượng của ClearEdge Power có thể thiết lập ở các cơ sở sản xuất nhỏ, giảm 25% chi phí năng lượng và 36% lượng khí CO2 thải ra.
Đáng chú ý nhất là công nghệ điện toán đám mây. Chính phủ Mỹ đang lên kế hoạch chi 19 tỉ USD từ nay đến năm 2015 để ứng dụng công nghệ này nhằm giảm việc tiêu thụ năng lượng.
- Hoàng Trung -
(Phương Trinh -
Theo Nhịp Cầu Đầu Tư/Entrepreneur)