Ngày 03/12/2010, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Công nghệ Thông tin (CNTT) phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Hội nghị Quốc gia về CNTT&TT Việt Nam 2010 với chủ đề “Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 58-CT/ TW của Bộ Chính trị trong các cơ quan Chính phủ và triển khai Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT&TT”.
Hội nghị có sự hiện diện và phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân - Truởng Ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT, các thành viên của Ban Chỉ đạo, Lãnh đạo phụ trách về CNTT của các Bộ, Ngành, địa phương, Tập đoàn, Tổng công ty 90, 91 và các chuyên gia về CNTT.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhận xét: Dựa trên thực tiễn quý giá 10 năm phát triển chính sách, hành động thực tế để rút ra những bài học cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Nhìn lại 10 năm qua nổi bật lên 6 kết quả quan trọng: Đã có sự chuyển biến về nhận thức đối với CNTT; Hình thành hệ thống văn bản pháp luật, cơ quan quản lý nhà nước, xây dựng và thực hiện các chương trình công nghiệp CNTT; Ứng dụng CNTT đã có chuyển biến rất mạnh mẽ; Đã hình thành ngành công nghiệp CNTT&TT; Phát triển của GĐDT trong đào tạo nhân lực CNTT; Vị trí CNTT&TT và hình ảnh Việt Nam đối với quốc tế đã đạt được những thứ bậc cao.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân gợi ý những nội dung
cần tập trung thảo luận tại Hội nghị

Từ những kết quả này, Phó Thủ tướng gợi ý, cần phải phân tích từ những thành quả để tìm giải pháp và hướng phát triển thích hợp trong giai đoạn tiếp theo như: Lợi thế về văn hóa của người Việt Nam là ham học. Cần phát huy lợi thế này như thế nào? Trong cơ chế còn thiếu những gì? Các văn bản pháp luật về lĩnh vực CNTT&TT đã đi vào thực tế cuộc sống chưa? Các văn bản đã khắc phục được những yếu kém về hướng dẫn thực thi pháp luật trong lĩnh vực đầu tư vào CNTT chưa? Về vai trò ứng dụng CNTT và về khả năng phát triển công nghiệp CNTT như thế nào? Định hướng phát triển của đào tạo để đáp ứng nhu cầu ngành CNTT? Bên cạnh đó, cần tận dụng uy tín quốc tế để phát triển CNTT.Trong phiên buổi sáng, các đại biểu tham dự được nghe GS.TSKH Đỗ Trung Tá, Phái viên của Thủ tướng Chính phủ về CNTT, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về CNTT trình bày: "Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 58-CT/TW của Bộ Chính trị trong các cơ quan Chính phủ và một sổ kiển nghị, đề xuẩt về ứng dụng, phát triển CNTT trong giai đoạn tiếp theo". Nội dung Báo cáo nêu rõ, thực hiện Chỉ thị 58, dưới sự chỉ đạo của Đảng và điều hành của Chính phủ, trong 10 năm qua lĩnh vực CNTT-TT Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Chúng ta đã hình thành được bộ máy quản lý nhà nước để thúc đẩy và phát triển CNTT-TT; Môi trường chính sách cho ứng dụng và phát triển CNTT-TT tương đối hoàn thiện; Công nghiệp CNTT dần trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, có tỷ lệ đóng góp cho tăng trưởng GDP của cả nước ngày càng cao. Ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, lọt vào nhóm 10 nước hấp dẫn nhất về gia công phần mềm xuất khẩu. Từ năm 2002, Việt Nam đã có tên trên bản đồ CNTT thế giới; Hạ tầng viễn thông Việt Nam đã đạt chuẩn quốc tế; Ứng dụng CNTT được triển khai rộng khắp cả nước, từ hoạt động quản lý nhà nước đến sản xuất kinh doanh, từ các cơ quan nhà nước đến các doanh nghiệp và người dân, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động kinh tế, xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước.
Với tầm nhìn: “Đầu tư cho CNTT-TT là đầu tư cho phát triển”, thế giới đang có nhiều xu hướng phát triển mới với sự hội tụ ngày càng sâu giữa các ngành điện tử, viễn thông, CNTT và phát thanh truyền hình, sự chuyển dịch từ sản xuất sản phẩm sang dịch vụ CNTT, sự bùng nổ của công nghiệp nội dung số, xu thế ứng dụng và phát triển CNTT xanh v.v… Trước những thay đổi này, Chính phủ tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 58 nhằm làm rõ những thành tựu đạt được, các tồn tại, hạn chế cũng như những yêu cầu mới về ứng dụng và phát triển CNTT-TT Việt Nam trong giai đoạn tới, qua đó đề xuất với Đảng và Nhà nước những chủ trương, chính sách phù hợp với thực tiễn và tình hình mới. Ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, tiến hành triển khai thực hiện việc tổng kết Chỉ thị 58 ngay từ đầu năm 2010.
Từ những phân tích, đánh giá và đúc rút kinh nghiệm qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 58, Ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT đề xuất, kiến nghị với Đảng và Chính phủ đưa vào văn kiện của Đại hội Đảng XI nội dung: “Ứng dụng và phát triển CNTT-TT trong giai đoạn 2011-2020 là lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư, tạo sự đột phá chiến lược, là nền tảng và động lực cho hiện đại hóa và tri thức hóa nền kinh tế, góp phần đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”.
Về chiến lược phát triển của Ngành, TS. Lê Doãn Hợp, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về CNTT trình bày nội dung “Kế hoạch triển khai Đề án sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT-TT".
Những nội dung trong Đề án được Bộ TT&TT xây dựng, trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đề án đáp ứng được khát vọng của cộng đồng CNTT, thể hiện quyết tâm của Chính phủ, nhằm tăng tốc phát triển ngành kinh tế mũi nhọn này, đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT và TT trong khu vực và trên thế giới.
Đề án xác định rõ 6 mục tiêu phát triển đến năm 2015: Nguồn nhân lực CNTT; Công nghiệp CNTT; Hạ tầng viễn thông băng rộng; Phổ cập thông tin; Ứng dụng CNTT; Xây dựng doanh nghiệp và phát triển thị trường.
Về quan điểm chỉ đạo sẽ tập trung 4 vấn đề chính: Tăng tốc phát triển CNTT và TT Việt Nam; Phát triển hợp lý cả bề rộng và chiều sâu; Sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư; Áp dụng mức ưu tiên, ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật.
Đề án cũng đưa ra 6 giải pháp cơ bản:
- 1: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức
- 2: Tích cực xã hội hóa đầu tư cho CNTT và TT, đặc biệt là phát triển, hạ tầng viễn thông băng rộng
- 3: Đầu tư đột phá có trọng tâm, trọng điểm
- 4: Xây dựng và hoàn thiện thể chế
- 5: Một số cơ chế đặc thù và chính sách đột phá (chính sách về đầu tư, chính sách về tài chính, chính sách về đất đai).
- 6: Đẩy mạnh hợp tác quốc tế
Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 58-CT/TW cùa Bộ Chính trị, Hội nghị thảo luận và cho ý kiến về các định hướng ứng dụng và phát triển CNTT-TT tại Việt Nam trong 10 năm tới cũng như các vấn đề triển khai kế hoạch thực hiện Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh Về CNTT-TT”
Tại phiên sáng, các đại biểu đã được nghe báo cáo, tham luận của đại diện Lãnh đạo Bộ Tăi Chính. Đầu phiên thảo luận buổi chiều, Hội nghị tiếp tục nghe ý kiến đóng góp của Cục CNTT – Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh Nghệ An, Sở TT&TT TP. Hồ Chí Minh, Tập đoàn VNPT, Tập đoàn FPT và Sở TTTT Tỉnh Lào Cai về các kết quả đạt được của quá trình thực hiện Chỉ thị 58-CT/TW và đề xuất các giải pháp trong việc triển khai Đề án sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT-TT.
Trong phiên làm việc buổi chiều, Báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra các đánh giá về tác động cũng như kết quả đạt được qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 58 đối với công tác nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ tại Việt Nam. Qua đó đưa ra những kế hoạch, giải pháp phát triển nội dung này trong giai đoạn 10 năm tới nhằm đạt được các mục tiêu đề ra của Đề án sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT&TT. Ngoài ra, các tham luận khác của UBND Tỉnh Lâm Đồng, TP. Hà Nội, TP. Đà Nẵng cũng sẽ đi sâu vào phân tích các vấn đề này. Bên cạnh các tham luận của các bộ, ngành và địa phương, Hội Tin học Việt Nam và các doanh nghiệp Viễn thông, Công nghệ Thông tin trong và ngoài nước cũng có những báo cáo về kết quả đạt được thời gian qua cũng như những định hướng hoạt động trong thời gian tới để góp phần đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT&TT. Hội nghị lần này được sự quan tâm và tài trợ của nhiều doanh nghiệp như: VNPT, Viettel, Yahoo Việt Nam, CMC, Vietinbank và sự bảo trợ thông tin của: Tạp chí CNTT&TT, Báo Bưu điện, Tạp chí Xã hội Thông tin...
Hội nghị đã quy tụ được hầu hết những lãnh đạo cấp cao và những chuyên gia hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực CNTT&TT nhằm đóng góp ý kiến và tìm giải pháp phát triển CNTT&TT Việt Nam giai đoạn tiếp theo.


(tapchi bcvt)